Bộ NN&PTNT: phấn đấu đến năm 2030, xuất khẩu ngành hàng sắn đạt 2 tỷ USD (26-04-2024)
Mục tiêu chung của Đề án là phát triển ngành hàng sắn ổn định, hiệu quả, bền vững; xây dựng liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống dân cư khu vực nông thôn; nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu và bảo vệ môi trường.

Đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 - 12,5 triệu tấn, trong đó sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính...) chiếm khoảng 85%. Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2 tỷ USD.

Việc phê duyệt Đề án được đánh giá là phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược Phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra còn phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng địa phương, trọng tâm là điều kiện đất đai, định hướng cơ cấu cây trồng... đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đề án được Bộ NN&PTNT kỳ vọng sẽ góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất, chế biến sắn, ưu tiên công tác giống và kỹ thuật canh tác; thúc đẩy chế biến sâu, đa dạng hoá sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường; sử dụng tối đa các sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất, chế biến sắn.

Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ sắn trên cơ sở lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hợp tác xã và tổ hợp tác là cầu nối giữa doanh nghiệp và hộ gia đình trồng sắn. Từ đó khuyến khích, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm sắn. Nhà nước tạo cơ chế, chính sách và đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật.

Quảng cáo