Cảnh báo sớm giảm rủi ro trong phòng vệ thương mại (16-04-2024)
Những tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng mạnh, tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023. Đi đôi với đó là nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại gia tăng.

Thông tin sớm

Sau khi thông báo khởi xướng điều tra tự vệ toàn cầu với sản phẩm xơ sợi staple nhân tạo từ polyeste, mới đây Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) đã ban hành bản câu hỏi điều tra tự vệ toàn cầu với xơ sợi staple nhân tạo từ polyeste. Trước thông tin này, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) lập tức thông tin cụ thể tới các các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam quan tâm đến vụ việc để kịp thời nắm bắt vụ việc.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại. Mục tiêu của đề án nhằm cảnh báo trước những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại nhằm giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước, giúp các cơ quan chức năng thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm.

USITC ban hành bản câu hỏi tới các nhà sản xuất, xuất khẩu sản phẩm xơ sợi staple nhân tạo từ polyeste vào Hoa Kỳ nhằm xác định việc nhập khẩu sản phẩm bị điều tra có gây thiệt hại nghiêm trọng tới ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ hay không. Thời hạn để các bên quan tâm trả lời bản câu hỏi là ngày 17/4/2024..

Vụ việc được USITC khởi xướng điều tra ngày 28/2/2024 theo đơn đề nghị từ các nhà sản xuất sợi staple nhân tạo từ polyester của Hoa Kỳ, bao gồm Fiber Industries LLC d/b/a Darling Fibers; Nan Ya Plastics Corp, America và Sun Fiber LLC. Nguyên đơn cáo buộc việc nhập khẩu xơ sợi staple nhân tạo từ polyester đã tăng mạnh so với sản xuất và tiêu thụ nội địa, gây ra thiệt hại nghiêm trọng và ảnh hưởng tới ngành sản xuất trong nước.

Theo số liệu của USITC, trong giai đoạn 2021-2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm bị điều tra từ Việt Nam sang Hoa Kỳ xấp xỉ 5,9 triệu USD (riêng năm 2023 là 5,2 triệu USD, đứng thứ 8 trong số các nước xuất khẩu sang Hoa Kỳ và chiếm 3% tổng thị phần nhập khẩu vào Hoa Kỳ). USITC dự kiến sẽ ban hành kết luận về thiệt hại vào ngày 9/7/2024 và sẽ báo cáo lên Tổng thống xem xét, quyết định vào ngày 26/8/2024.

Trước đó, năm 2017, sản phẩm này đã bị Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá với Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam; điều tra chống trợ cấp với Trung Quốc và Ấn Độ; nhưng sau đó Việt Nam được loại trừ khỏi phạm vi điều tra theo đề nghị của nguyên đơn. Hiện nay, sản phẩm từ các nước, vùng lãnh thổ nói trên (trừ Việt Nam) vẫn đang bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Trước xu hướng bảo hộ gia tăng, hàng hóa Việt Nam ngày càng đối diện nhiều hơn với các vụ điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài. Bên cạnh đó, các vụ việc phòng vệ thương mại trước đây chủ yếu tập trung vào chống bán phá giá, chống trợ cấp tự vệ nhưng gần đây việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại ngày càng nhiều hơn. Xu hướng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam ngày càng mở rộng sang các nước đang phát triển cũng như các nước có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động ứng phó, danh sách cảnh báo sớm một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ được tăng cường cập nhật. Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại đưa ra cảnh báo sớm nguy cơ Canada điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng đinh ốc nhập khẩu từ Việt Nam. Cơ quan hải quan Canada (CBSA) sẽ gia hạn vụ việc điều tra lại (re-investigation) nhằm cập nhật các giá trị thông thường và giá xuất khẩu đối với một số mặt hàng đinh ốc carbon có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Cục Phòng vệ thương mại cho biết, tuy hàng hóa có xuất xứ Việt Nam không bị điều tra, nhưng có một số bằng chứng cho thấy tồn tại hoạt động giao dịch xuất khẩu giữa nhà xuất khẩu của Việt Nam và nhà nhập khẩu tại Canada. Do vậy, không loạt trừ khả năng Canada tiến hành các cuộc điều tra nhằm mở rộng phạm vi sản phẩm/điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại hoặc khởi xướng các vụ việc phòng vệ thương mại mới với mặt hàng tương tự của Việt Nam.

Do vậy, để kịp thời ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại có thể xảy ra trong tương lai, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan cần rà soát lại việc xuất khẩu đinh ốc carbon sang thị trường Canada (tham khảo các mã HS sau: 7318.11, 7318.12, 7318.14, và 7318.15), chuẩn bị ứng phó trong trường hợp Canada tiến hành điều tra vụ việc phòng vệ thương mại; chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, thủ tục điều tra phòng vệ thương mại của Canada.

Ngoài ra, nhiều nhóm hàng như gỗ, sắt thép, vật liệu xây dựng, sản phẩm công nghiệp chế tạo sang Hoa Kỳ, EU... có nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại cũng được thông tin cảnh báo sớm.

Kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh

Thông qua công tác cảnh báo sớm, các doanh nghiệp đã được cung cấp thông tin, giúp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.

Theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ở tất cả các nước, kiện phòng vệ thương mại là một quy trình pháp lý, đấu tranh về mặt kỹ thuật rất phức tạp. Qua theo dõi phần lớn các trường hợp kháng kiện chưa hiệu quả xuất phát từ việc bị động, thời gian chuẩn bị quá ngắn và bất ngờ trong việc ứng phó với những vụ kiện.

Cũng theo bà Nguyễn Thu Trang, cảnh báo sớm giúp doanh nghiệp biết nguy cơ từ sớm và có sự chuẩn bị từ khi mới chỉ bắt đầu có những dấu hiệu đầu tiên, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện chuẩn bị, giảm thiểu được thiệt hại. Bởi trong những vụ việc chúng ta đứng ở tâm thế tự vệ, và làm sao phải giảm thiểu tối đa thiệt hại. Khả năng phòng tránh thì khó, nhưng nếu có sự điều chỉnh thích hợp như: mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, giảm bớt độ nóng, sức ép của việc gia tăng quá mạnh xuất khẩu hàng hóa sang một thị trường,… cũng có thể là một cách thức để tránh được nguy cơ. Cảnh báo sớm cũng giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra các vụ việc phòng vệ thương mại nếu có sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong chiến lược sản xuất, xuất khẩu.

Nguồn: HqOnline

Quảng cáo